Các giả thuyết Nguồn gốc ngôn ngữ

Các phán đoán ban đầu

Tôi không còn nghi ngờ gì nữa rằng ngôn ngữ có nguồn gốc từ sự bắt chước và hiệu chỉnh, với sự hỗ trợ từ các dấu hiệu và cử chỉ, của nhiều âm thanh tự nhiên khác nhau, những giọng nói của các loài muông thú và tiếng hét bản năng của con người.

– Charles Darwin, 1871. The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex[4]

Năm 1861, nhà ngôn ngữ học lịch sử Max Müller đã công bố một danh sách các lý thuyết đầu cơ liên quan đến nguồn gốc của ngôn ngữ:[5]

  • Gâu gâu. Giả thuyết gâu gâu hoặc cúc cu, mà Müller gán cho nhà triết học người Đức Johann Gottfried Herder, cho rằng những lời nói đầu tiên bắt chước theo tiếng kêu của những con thú và chim.
  • Pooh-pooh. Giả thuyết pooh-pooh cho rằng những từ đầu tiên là sự xen lẫm của cảm xúc và cảm thán được kích hoạt bởi nỗi đau, niềm vui, sự bất ngờ, v.v.
  • Binh boong. Müller đề xuất cái mà ông gọi là học thuyết binh boong, phát biểu rằng mọi thứ đều có tần số rung động cộng hưởng riêng và bằng một cách nào đó, chúng đã được con người sao chép lại bằng những từ đầu tiên.
  • Yo-he-ho. Giả thuyết yo-he-ho đề xuất rằng ngôn ngữ xuất hiện từ sự lao động tập thể nhịp nhàng, nỗ lực đồng bộ hóa cử động cơ bắp dẫn đến các âm thanh như heave trong tiếng Anh (hổn hển), xen kẽ với các âm thanh như ho (hô).
  • Ta-ta. Giả thuyết này không có trong danh sách của Max Müller, đã được đề xuất vào năm 1930 bởi Ngài Richard Paget.[6] Theo giả thuyết ta-ta, con người tạo ra những từ đầu tiên bằng chuyển động lưỡi bắt chước cử chỉ bàn tay.

Hầu hết các học giả ngày nay coi tất cả các giả thuyết ở trên không hẳn là sai—chúng thường cho ta hiểu biết tổng quát về ngôn ngữ—nhưng còn ngây thơ và không quá liên quan.[7][8] Vấn đề với những giả thuyết này là chúng rất máy móc. Chúng cho rằng một khi tổ tiên của chúng ta đã vấp phải cơ chế khéo léo thích hợp để liên kết âm thanh với ý nghĩa, ngôn ngữ sẽ tự động phát triển và thay đổi.

Các vấn đề về độ tin cậy và lừa dối

Từ quan điểm của lý thuyết báo hiệu, trở ngại chính cho sự phát triển của giao tiếp thông qua ngôn ngữ trong tự nhiên không phải là vấn đề cơ học. Thay vào đó, là do các biểu tượng (mối liên kết cụ thể giữa âm thanh và các dạng liên quan khác đến ý nghĩa của chúng) không đáng tin cậy và có thể sai.[40] Dân gian ta có câu nói, "từ ngữ rất rẻ mạt" và "nói thì dễ hơn làm".[9] Vấn đề về độ tin cậy hoàn toàn không được Darwin, Müller hoặc các nhà lý thuyết tiến hóa ban đầu khác thừa nhận.

Hầu hết các tín hiệu âm thanh của động vật đều đáng tin cậy. Khi một con mèo rú lên, nó đã cho ta biết một cách chính xác trạng thái cảm xúc của nó hiện giờ. Chúng ta tin vào tín hiệu đó, không phải vì con mèo có xu hướng trung thực mà vì nó không thể giả mạo âm thanh đó. Giao tiếp của linh trưởng có thể dễ thao túng hơn một chút, nhưng chúng vẫn đáng tin cậy vì lý do tương tự, do chúng khó giả mạo.[10] Trí thông minh xã hội của các loài linh trưởng thuộc dạng "trí tuệ Machiavelli" (đặt theo tên chính trị gia Machiavelli, lỗi lạc và mưu mô) ích kỷ và không bị ràng buộc bởi những rắc rối đạo đức. Khỉ và vượn thường cố gắng lừa dối lẫn nhau, đồng thời không ngừng cảnh giác những kẻ lừa dối khác.[11][12] Nghịch lý thay, người ta cho rằng cơ cấu phòng chống sự lừa dối của loài linh trưởng là điều ngăn cản chúng phát triển thứ gì đó giống ngôn ngữ của ta. Ngôn ngữ bị sàng lọc vì cách tốt nhất để không bị lừa là loại bỏ tất cả tín hiệu ngoại trừ những tín hiệu có thể được kiểm chứng ngay lập tức. Các lời nói tự động bị loại ra trong bài kiểm tra này.[13]

Lời nói rất dễ bị giả mạo. Nếu chúng là lời dối trá, người nghe sẽ thích nghi bằng cách bỏ qua chúng để chỉ tìm các chỉ thị hoặc tín hiệu thành thật hơn. Do đó, để ngôn ngữ có thể hoạt động, người nghe phải tự tin rằng những người mà họ trò chuyện có tính trung thực.[14] Một tính năng khá đặc biệt của ngôn ngữ là sự "tham chiếu thay thế", có nghĩa là ta có thể dùng ngôn ngữ để nói đến các chủ đề nằm ngoài tình huống hiện tại. Tính chất này ngăn không cho lời nói bị kiểm chứng ngay lập tức "ở đây" và "ngay bây giờ". Vì lý do này, ngôn ngữ phải có một mức độ tin cậy hai phía tương đối cao để được thiết lập theo thời gian dựa trên chiến lược ổn định tiến hóa (một phần của lý thuyết trò chơi tiến hóa). Sự ổn định này được sinh ra từ sự tin tưởng lẫn nhau lâu dài và là thứ trao quyền lực cho ngôn ngữ. Vì vậy, các giả thuyết về nguồn gốc của ngôn ngữ phải giải thích tại sao con người có thể bắt đầu tin vào các tín hiệu rẻ mạt theo cách mà các động vật khác dường như không thể làm được (xem lý thuyết báo hiệu).

Giả thuyết tiếng mẹ đẻ

Giả thuyết "tiếng mẹ đẻ" đã được đề xuất vào năm 2004 như là một giải pháp khả thi cho vấn đề này.[15] W. Tecumseh Fitch cho rằng nguyên tắc "Chọn lọc theo dòng dõi" của Darwin[16] (sự hội tụ lợi ích di truyền giữa những người họ hàng) có thể là một mảnh của câu trả lời. Fitch cho rằng các ngôn ngữ ban đầu là 'tiếng mẹ đẻ'. Nếu ngôn ngữ phát triển ban đầu để giao tiếp giữa các bà mẹ và con đẻ của họ, sau đó được mở rộng để bao gồm cả người thân đã trưởng thành, thì lợi ích của người nói và người nghe sẽ có xu hướng trùng khớp. Fitch lập luận rằng các lợi ích di truyền chia sẻ giữa các họ hàng sẽ dẫn đến sự tin tưởng và hợp tác đối với các tín hiệu không đáng tin cậy về mặt bản chất.

Các đối thủ của lý thuyết này chỉ ra rằng sự chọn lọc dòng dõi không phải là duy nhất đối với con người.[17] Vì vậy, ngay cả khi một người chấp nhận cơ sở ban đầu của Fitch, việc mở rộng mạng lưới 'tiếng mẹ đẻ' từ những người họ hàng gần đến họ hàng xa hơn vẫn không giải thích được.[17] Tuy nhiên, Fitch lập luận rằng thời gian kéo dài của sự non nớt về thể chất của trẻ sơ sinh và sự phát triển sau sinh của não người mang lại cho mối quan hệ giữa con người và trẻ sơ sinh một giai đoạn phụ thuộc giữa các thế hệ khác nhau kéo dài hơn so với bất kỳ loài nào khác.[15]

Giả thuyết vị tha đối ứng bắt buộc

Ib Ulbæk[18] viện dẫn một nguyên tắc cơ bản khác của Darwin vị tha đối ứng[19] để giải thích mức độ trung thực có chủ ý cao bất thường cần thiết cho ngôn ngữ để phát triển. "Lòng vị tha đối ứng" có thể được hiểu đơn giản là "nếu bạn gãi lưng cho tôi, tôi sẽ gãi lưng cho bạn". Về mặt ngôn ngữ, điều đó có nghĩa là "nếu bạn nói thật với tôi, tôi sẽ nói thật với bạn". Ulbæk chỉ ra lý thuyết vị tha thông thường của Darwin, là một mối quan hệ được thiết lập giữa các cá nhân thường xuyên tương tác. Tuy nhiên, để ngôn ngữ chiếm ưu thế trên toàn bộ cộng đồng, sự tương hỗ cần thiết sẽ cần phải được thực thi trên toàn tập thể thay vì do sự lựa chọn cá nhân. Ulbæk kết luận rằng để ngôn ngữ phát triển, toàn bộ xã hội phải chịu sự điều chỉnh của đạo đức.

Các nhà phê bình chỉ ra rằng lý thuyết này không giải thích được khi nào, bằng cách nào, tại sao hoặc bởi ai 'lý thuyết vị tha đối ứng bắt buộc' có thể được thi hành.[20] Nhiều đề xuất đã được đưa ra để khắc phục khiếm khuyết này.[20] Một chỉ trích nữa là ngôn ngữ không hoạt động trên cơ sở lòng vị tha đối ứng. Con người trong các nhóm đàm thoại có xu hướng cởi mở thông tin với tất cả mọi người chứ không riêng gì đối với người nghe có khả năng đáp lễ bằng thông tin có giá trị. Ngược lại, họ dường như muốn phổ biến cho cả thế gian biết ta đây có những thông tin liên quan đến xã hội, tuồn ra thông tin mà không mong đợi bất kỳ một sự đáp lễ nào từ người nghe.[21]

Giả thuyết chuyện phiếm và chải chuốt

Chuyện phiếm ở con người, theo Robin Dunbar trong cuốn sách Chải chuốt, chuyện phiếm và sự tiến hóa của ngôn ngữ, có vai trò tương tự như việc chải chuốt lông ở các loài linh trưởng khác, cho phép các cá nhân củng cố mối quan hệ xã hội và do đó duy trì liên minh dựa trên nguyên tắc vị tha đã đề cập ở trên. Dunbar lập luận rằng khi con người bắt đầu sống trong các nhóm xã hội ngày càng lớn hơn, nhiệm vụ chải chuốt thủ công tất cả bạn bè và người quen của họ trở nên tốn thời gian đến mức bất khả thi.[22] Để đối phó với vấn đề này, con người đã phát triển 'một hình thức chải chuốt giá rẻ và cực kỳ hiệu quả. Để giữ cho các đồng minh hạnh phúc, giờ đây người ta chỉ cần 'chải chuốt' họ bằng âm thanh giọng nói chi phí thấp, phục vụ đồng thời nhiều đồng minh trong khi vẫn giữ cả hai tay cho các nhiệm vụ khác. Giọng ca chải chuốt sau đó phát triển dần dần thành ngôn ngữ thanh nhạc. Ban đầu dưới dạng 'chuyện phiếm'.[22] Giả thuyết của Dunbar dường như được ủng hộ bởi thực tế là cấu trúc của ngôn ngữ cho thấy sự thích nghi với chức năng tường thuật nói chung.[23]

Những người chỉ trích lý thuyết này chỉ ra rằng hiệu quả của việc 'chải chuốt giọng nói' (thực tế là lời nói rẻ mạt) sẽ làm giảm khả năng báo hiệu sự cam kết không như loại được truyền tải bằng cách chải chuốt thủ công tốn kém và phí thời gian.[24] Một chỉ trích nữa là lý thuyết không thể giải thích sự chuyển đổi quan trọng từ giọng hát chải chuốt (sự sản xuất những âm thanh dễ chịu nhưng vô nghĩa) sang lời nói cú pháp (âm thanh có ý nghĩa phức tạp).

Đồng tiến hóa nghi thức/lời nói

Lý thuyết đồng tiến hóa nghi thức/lời nói ban đầu được đề xuất bởi nhà nhân chủng học xã hội Roy Rappaport[18] trước khi được các nhà nhân chủng học như Chris Knight,[13] Jerome Lewis,[25] Nick Enfield,[26] Camilla Power[14] và Ian Watts xây dựng.[27] Nhà khoa học nhận thức và kỹ sư robot Luc Steels[28] là một người ủng hộ nổi bật khác của lý thuyết chung này, cũng như nhà nhân chủng sinh học/thần kinh học Terrence Deacon.[29]

Những học giả này cho rằng không tồn tại thứ gọi là 'lý thuyết về nguồn gốc của ngôn ngữ'. Điều này là do ngôn ngữ không phải là một sự thích ứng riêng biệt mà là một khía cạnh bên trong của một thứ gì đó rộng lớn hơn nhiều, cụ thể là văn hóa biểu tượng của con người nói chung.[30] Những nỗ lực giải thích ngôn ngữ một cách độc lập trong bối cảnh rộng lớn hơn đã thất bại một cách ngoạn mục, theo các nhà khoa học, bởi vì họ đang giải quyết một vấn đề không có giải pháp. Thử hỏi xem, liệu một sử gia có thể giải thích nguồn gốc của thẻ tín dụng một cách độc lập với hệ thống rộng lớn hơn mà nó là một phần không? Sử dụng thẻ tín dụng chỉ có ý nghĩa nếu bạn có tài khoản ngân hàng được một tổ chức nào đó công nhận và chính tổ chức này cũng lại nằm trong một loại xã hội tư bản tiên tiến nhất định, nơi một công nghệ truyền thông điện tử và máy tính kỹ thuật số đã được phát minh và có thể phát hiện và ngăn chặn gian lận. Tương tự như vậy, ngôn ngữ sẽ không hoạt động bên ngoài các cơ chế và thể chế xã hội cụ thể. Chẳng hạn, nó sẽ không hoạt động đối với một con vượn không giao tiếp với cá thể khác trong tự nhiên. Ngay cả những con vượn thông minh nhất cũng không thể làm cho ngôn ngữ hoạt động trong những điều kiện như vậy.

Những người ủng hộ trường phái tư tưởng này chỉ ra rằng từ ngữ rất rẻ mạt. Nếu một con vượn đặc biệt thông minh, hoặc thậm chí là một nhóm vượn người phi thường, cố gắng sử dụng từ ngữ trong tự nhiên, chúng vẫn sẽ không có niềm tin. Những tiếng động mang sự thuyết phục, những tiếng mà chúng thực sự sử dụng, không giống như lời nói, ở chỗ chúng biểu cảm về mặt cảm xúc, bản chất có ý nghĩa và đáng tin cậy vì chúng tương đối tốn kém và khó giả tạo.

Ngôn ngữ bao gồm các tương phản kỹ thuật số mà chi phí về cơ bản là bằng không. Là những quy ước xã hội thuần túy, những tín hiệu thuộc loại này không thể phát triển trong một thế giới xã hội Darwin, chúng bất khả thi về mặt lý thuyết.[40] Bản chất không đáng tin cậy, ngôn ngữ chỉ hoạt động nếu bạn có thể tạo dựng được danh tiếng về sự đáng tin trong một loại xã hội nhất định, đó là nơi mà các sự kiện văn hóa tượng trưng (đôi khi được gọi là 'sự thật tổ chức') có thể được thiết lập và duy trì thông qua chứng thực xã hội tập thể.[59] Trong bất kỳ xã hội săn bắn-hái lượm nào, cơ chế cơ bản để thiết lập niềm tin vào các sự kiện văn hóa tượng trưng là nghi thức tập thể.[60] Do đó, nhiệm vụ mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt với nguồn gốc của ngôn ngữ là một chủ đề liên ngành. Nó liên quan đến việc giải quyết sự xuất hiện tiến hóa của văn hóa biểu tượng con người nói chung, với ngôn ngữ là một thành phần quan trọng.

Những người chỉ trích lý thuyết này bao gồm Noam Chomsky, người gọi đây là giả thuyết 'không tồn tại', phủ nhận sự tồn tại của ngôn ngữ như một đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên.[31] Lý thuyết riêng của Chomsky là ngôn ngữ xuất hiện ngay lập tức và ở dạng hoàn hảo,[32] khiến các nhà phê bình của ông lần lượt vặn lại rằng chỉ có thứ gì đó không tồn tại, một cấu trúc lý thuyết hoặc giả tưởng khoa học thuận tiện mới có thể xuất hiện theo cách kỳ diệu như vậy.[19] Cuộc tranh luận này vẫn chưa có một lời giải quyết chính đáng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguồn gốc ngôn ngữ http://www.christenebrowne.com/video-on-demand/ http://pubman.mpdl.mpg.de/pubman/item/escidoc:5271... http://adsabs.harvard.edu/abs/2010Sci...329.1600E http://pandora.cii.wwu.edu/vajda/ling201/test1mate... http://pandora.cii.wwu.edu/vajda/ling201/test4mate... //www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/5875341 http://www.accessexcellence.org/BF/bf02/klein/inde... http://center-for-nonverbal-studies.org/htdocs/970... //dx.doi.org/10.1006%2Fanbe.1994.1149 //dx.doi.org/10.1016%2F0022-5193(64)90038-4